Đối với Rob Courtney 80 tuổi, các vết loét ở chân ban đầu giống như bị cháy nắng. Vài ngày sau, tình trạng mẩn đỏ và viêm nhiễm tồi tệ hơn.
Da ở bàn chân phải của ông bị bong ra, vết thương rỉ nước. Bác sĩ chẩn đoán người đàn ông nhiễm một loại vi khuẩn ăn thịt, gọi là loét Buruli. Gần đây, căn bệnh bùng phát tại khu vực ven biển nơi ông Courtney sinh sống.
Vết loét khiến phần thịt trên chân ông bị ăn mòn và hoại tử, phải dùng kháng sinh liều cực cao để điều trị. Song, các loại thuốc khiến ông cảm thấy buồn nôn và mệt mỏi, mồ hôi, nước mắt ngả vàng cam. Ông phải nhập viện điều trị trong 50 ngày.
“Đó là cả một quá trình, tôi không mong các bạn mắc bệnh này đâu”, Courtney chia sẻ khi đang ở phòng khám địa phương và phải băng vết thương vài tuần.
Bệnh loét Buruli được ghi nhận ở 33 quốc gia, đặc biệt tại nơi thiếu hạ tầng và dịch vụ y tế. Tình trạng nhiễm có thể kéo dài hàng tháng, đôi khi khiến bệnh nhân tàn tật, cơ thể biến dạng.
Tại Australia, các trường hợp loét xuất hiện từ những năm 1940. Số ca mắc gia tăng gần đây khiến cộng đồng một lần nữa chú ý đến căn bệnh từng bị lãng quên.
Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Australia là bán đảo Mornington. Từ năm 2016, mỗi năm bán đảo báo cáo khoảng 180 trường hợp viêm loét, con số cao nhất là 340 ca vào năm 2018. Tháng 2 năm nay, bệnh lan rộng đến vùng ngoại ô Melbourne, thành phố 5 triệu dân.
Viêm loét Buruli vẫn còn là bí ẩn. Không ai biết chính xác cách thức lây nhiễm cũng như lý do nó bùng lên trên bán đảo Mornington, một khu vực giàu có cách Melbourne chưa tới 80 km, nơi có hàng nghìn khách du lịch mỗi năm.
Các nhà khoa học cho rằng loét Buruli và 75% các mầm bệnh mới nổi, bao gồm Covid-19, lây từ động vật sang người. Họ nhận định bệnh truyền nhiễm trở nên phổ biến một phần do sự xâm nhập của con người vào môi trường hoang dã.
Giả thuyết hàng đầu về nguồn gốc căn bệnh ở Australia là vi khuẩn xuất phát từ cơ thể chuột túi, truyền sang người qua vật chủ trung gian là muỗi. Giáo sư, tiến sĩ Paul Johnson của Hệ thống Y tế Austin, cho biết: “Vi khuẩn đã tồn tại từ lâu, nhưng con người tình cờ gặp phải và giúp nó bùng phát không chủ đích. Chúng tôi đã đưa ra các giả thuyết, tình huống mầm bệnh có thể phát triển nhanh chóng và lây cho người”.
Trong những năm gần đây, khi giới y khoa chú ý nhiều hơn đến căn bệnh, giáo sư Johnson và các đồng nghiệp cố gắng tìm ra chính xác cách lây truyền của bệnh loét Buruli. Theo hướng nghiên cứu giả thuyết bệnh bắt nguồn từ muỗi, họ cố gắng hạn chế lượng muỗi trên bán đảo Mornington để xem số bệnh nhân có giảm hay không. Cuối tháng 2, giáo sư Johnson, giáo sư Tim Stinear, Viện Doherty thuộc Đại học Melbourne và hơn 10 người khác đặt bẫy muỗi ở vùng ngoại ô bán đảo.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm phân của chuột túi, cho rằng đây là manh mối quan trọng để biết bản đồ dịch tễ – các điểm nóng nơi vi khuẩn hoành hành. “Một khi bắt đầu tìm kiếm, bạn sẽ thấy chúng ở khắp mọi nơi”, ông Stinear nói.
Dù chuột túi khá phổ biến, chúng vẫn được bảo vệ như sinh vật bản địa Australia. Điều này khiến nghiên cứu bị đình trệ, cản trở quá trình dập dịch. Nỗ lực diệt muỗi bằng thuốc côn trùng cũng vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động môi trường.
Các chuyên gia hầu như không bất ngờ trước làn sóng mất lòng tin vào khoa học toàn cầu. Song việc tìm hiểu về những mầm bệnh bí ẩn như loét Buruli rất quan trọng để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai.
“Ta không biết khi nào chúng sẽ trở nên thiết yếu. Đây là bài học chúng tôi có được từ Covid-19”, ông nới.
Đối với những người mắc chứng loét Buruli, cuộc hành trình có thể rất gian nan. Nhiều bệnh nhân tiến triển nặng, đôi khi phải cắt cụt tứ chi hoặc tử vong. Vết thương mất nhiều tháng mới lành, để lại sẹo về cả thể chất lẫn tinh thần.
“Đó là căn bệnh khá khó chịu. Những người xung quanh cũng không thoải mái với nó”, tiến sĩ Daniel O’Brien, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Geelong, nhận định.
Vào tháng 3, O’Brien điều trị cho ông Courtney và hơn 10 người khác. Những năm 2010, một tuần ông chỉ phải tiếp nhận ít bệnh nhân bị loét Buruli. Đến nay con số lên tới 50. Ông đã điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhân ở cả Australia và nước ngoài. Nhiều người lớn tuổi, số khác trẻ hơn, là giáo viên hoặc lao động chân tay, thậm chí trẻ em.
Ông đo độ lớn của vết loét bằng thước, đánh dấu để theo dõi sự phát triển của chúng. Một số ổ viêm ăn sâu vào tận xương, hầu hết bệnh nhân mô tả chúng không gây đau đớn. Song độc tố của vi khuẩn ăn thịt làm suy yếu phản ứng miễn dịch, gây tê liệt phần thịt chúng đang tiêu thụ. Tiến sĩ O’Brien nhận định đây là “một sinh vật khá phi thường, một kẻ thù đáng gờm”.
Trong trường hợp của Courtney, vết loét đã tàn phá nửa trên của bàn chân trước khi bác sĩ chẩn đoán. Kể từ đó, ông phải phẫu thuật để loại bỏ mô hoại tử cứng như bê tông. Bác sĩ Adrian Murrie, người điều trị cho ông Courtney, nhận định: “Phải loại bỏ phần thịt chết đó nếu không da sẽ không bao giờ lành lại”.
Những bệnh nhân khác ít nghiêm trọng hơn, đôi khi từ chối điều trị. Thay vào đó, họ tự chữa bệnh bằng cách chườm nóng hoặc đắp thuốc. Dù cơ thể có miễn dịch tự nhiên chống lở loét, những phương pháp này có thể gây nguy hiểm, tiến sĩ O’Brien nói.