Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) đầu tư phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ và  cơ khí, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đây là chiến lược được Thaco  xác định ngay từ khi đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai năm 2003. Công ty đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp sản xuất linh kiện ôtô quy mô gần 100 ha. Tại đây có 12 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản, Hàn Quốc với máy móc thiết bị hiện đại và thực hiện quản trị thông minh xuyên suốt từ đặt hàng, sản xuất đến phân phối.

Sản phẩm từ các nhà máy này bao gồm: linh kiện nội thất, ngoại thất xe bus, xe tải, xe du lịch; linh kiện composite; nhíp; kính; máy lạnh; la phông trần; tap-pi sàn; cản xe du lịch; thân vỏ ôtô; ghế và áo ghế; bộ dây điện; chassis và nhiều linh kiện khác. Các sản phẩm không chỉ cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ôtô của Thaco và các doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường ASEAN và các nước trên thế giới.

Đầu tư phát triển các nhà máy linh kiện phụ tùng, Thaco đã gia tăng tỷ lệ nội địa hóa một số mẫu xe lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN, đồng thời xuất khẩu linh kiện phụ tùng ôtô. Thị trường xuất khẩu chính gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Australia, Philippines, Kazakhstan, Malaysia, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Thái Lan, Indonesia, Australia, Đức,…… Giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng của Thaco năm 2018 đạt hơn 20 triệu USD. Trong thời gian tới, công ty sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Châu Âu và Châu Mỹ. Dự kiến năm 2019, giá trị xuất khẩu đạt 25 triệu USD.

Hiện doanh nghiệp tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp hỗ trợ mới theo hướng tự động hóa; thành lập các nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng xe Mazda khi sản lượng đủ lớn (50.000 xe một năm); liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài đầu tư các nhà máy sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Khu công nghiệp Thaco Chu Lai; hợp tác  với nhà cung cấp của Kia Motors để sản xuất linh kiện phụ tùng xe du lịch Kia có hàm lượng công nghệ cao; tham gia chuỗi cung ứng linh kiện OEM cho các nhà sản xuất lắp ráp ôtô tại Việt Nam và các đối tác Kia, Foton.

Với chiến lược phát triển đa ngành, từ 2018 Thaco đã phát triển cơ khí thành ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, cùng với sản xuất ôtô và linh kiện phụ tùng bổ trợ lẫn nhau. Theo ông Phạm Văn Tài – Tổng giám đốc Thaco, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên nền tảng cơ khí chế tạo là định hướng chiến lược nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh; tăng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; đẩy mạnh tiếp thu, chuyển giao công nghệ; tạo tiền đề phát triển các lĩnh vực khác; qua đó, thực hiện chiến lược nội địa hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đầu tư phát triển cơ khí, doanh nghiệp đã tận dụng hạ tầng công nghệ sẵn có về cơ khí ôtô để đa dạng hóa các sản phẩm. Công ty hình thành tổ hợp sản xuất và gia công cơ khí phục vụ sản xuất ôtô và linh kiện phụ tùng; đồng thời gia công cho các khách hàng lớn như Doosan Vina, General Electric (GE), Makitech (Nhật Bản), Agata, Three Stars và các công ty đến đầu tư tại miền Trung. Tổng giá trị Thaco gia công cho các doanh nghiệp này trong năm 2018 đạt 400 tỷ đồng.

Trên nền tảng về công nghệ, thiết bị, kinh nghiệm sản xuất và quản trị sẵn có thời gian qua, công ty mở rộng sản xuất từ cơ khí phục vụ các lĩnh vực khác gồm: cơ khí nông lâm nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp. Tháng 3 năm nay, Thaco khởi công 2 dự án: Khu công nông – lâm nghiệp và khu công nghiệp cơ khí vào ôtô mở rộng.

Riêng với cơ khí nông – lâm nghiệp, công ty đang cung cấp các giải pháp về cơ giới hóa nông nghiệp cho các nông trường của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào và Campuchia. Đồng thời, mở rộng hợp tác để sản xuất kinh doanh máy và thiết bị nông nghiệp, nghiên cứu và phát triển đa dạng các sản phẩm máy và thiết bị phục vụ các khâu canh tác, chăm sóc, thu hoạch lúa, cây ăn trái, cao su và cung cấp các dịch vụ cơ giới khác.